![]() |
Miền Tây chiếm hơn 50% sản lượng lương thực cả nước và cung ứng hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Ảnh: Cửu Long. |
Buổi làm việc diễn ra ngày 8/8, tại Cần Thơ, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở miền Tây. Ông Wang Zhi Xi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty lương thực Thái Lương ở tỉnh Quảng Đông, đại diện Hiệp hội lương thực Trung Quốc cho biết, ngành nghề chính của đơn vị là kinh doanh lương thực.
“Sản phẩm của Thái Lương hiện có mặt tại các siêu thị lớn của tỉnh Quảng Đông với lượng hàng bán cao nhất có thể đạt 800 tấn mỗi ngày, còn bình quân đạt 300.000 tấn mỗi năm”, ông Wang Zhi Xi nói và cho biết nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường Trung Quốc rất lớn và có xu hướng ngày càng tăng. Do đó, qua buổi làm việc này đoàn doanh nghiệp kỳ vọng hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong thương mại gạo.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và 29,2% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt hơn 890.000 tấn, chiếm 26,8% thị phần xuất khẩu toàn ngành.
Ông Đào Việt Anh – Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển.
Riêng với lĩnh vực lúa gạo, số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2017, quốc gia này nhập khẩu 3,99 triệu tấn gạo, tăng 12,96% so với năm trước. Trong đó, có 2,26 triệu tấn gạo được nhập khẩu từ Việt Nam, chiếm hơn 56%. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 1,78 triệu tấn gạo và ngũ cốc; trong đó, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 850.000 tấn.
Theo ông Anh, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, nhưng hoạt động xuất khẩu gạo sang quốc gia này trong năm nay sẽ khó khăn, khó duy trì được đà tăng trưởng như năm trước. Nguyên nhân do sự điều chỉnh chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo được áp dụng từ 1/7, và sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn gạo xuất khẩu của các quốc gia khác.
Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường này, ông Anh đề nghị cần đảm bảo chất lượng phù hợp với thỏa thuận về kiểm dịch đối với sản phẩm gạo nhập khẩu được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoài ra, cần chủ động xúc tiến thương mại tìm kiếm bạn hàng, đối tác qua các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng thương hiệu gạo, đặc biệt với các sản phẩm có giá trị và thực hiện đăng ký thương hiệu nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường này cũng như phục vụ cho việc đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị của Trung Quốc.
Tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến hình thức thương mại điện tử vì đây đang là kênh phân phối, tiêu thụ rất hiệu quả tại thị trường này.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ đánh giá, việc đoàn doanh nghiệp Trung Quốc chủ động đến tận miền Tây tìm hiểu tình hình sản xuất lúa gạo và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực này chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu gạo của quốc gia này còn rất lớn.
“Sắp tới, Cần Thơ có các hoạt động hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo; trong đó, chú trọng tới việc chuyên nghiệp hóa ngay từ khâu gieo sạ, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, bền vững”, ông Toại nói.
Cửu Long
Nguồn : vnexpress.net